Sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tham gia nghiên cứu khoa học.
Ngày 25/04/2025, tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành – Cơ sở Quận 12, Hội thảo Khoa học cấp Trường do Khoa Quản trị Kinh doanh tổ chức đã diễn ra với chủ đề: “Toàn cầu hóa và Thương mại tự do: Đổi mới năng lực quản trị các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.” Sự kiện này đã trở thành một dấu ấn đặc biệt đối với nhóm sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng gồm: Trần Đông Sun, Đặng Công Phú, Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Phạm Thị Mẫn Nghi, Đào Hoài Vũ.
Không đơn thuần là một hoạt động học thuật, hội thảo lần này là hành trình khẳng định tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, tư duy độc lập và nỗ lực bền bỉ trong quá trình chinh phục tri thức. Với mong muốn góp phần tháo gỡ những “nút thắt” trong năng lực khai thác logistics của SMEs tại Việt Nam, nhóm đã lựa chọn và triển khai đề tài: “Mô hình liên doanh (Joint Venture) trong lĩnh vực kho bãi – Cơ hội và thách thức cho SMEs Việt Nam.”
Bằng cách tiếp cận thực tiễn và phân tích từ các case study trong nước và quốc tế, đề tài không chỉ làm rõ cơ sở lý luận mà còn thể hiện tính ứng dụng cao của mô hình liên doanh trong việc tối ưu hóa hạ tầng kho bãi – một vấn đề đang nhận được sự quan tâm lớn trong bối cảnh hội nhập toàn diện. Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn tận tâm của Giảng viên hướng dẫn của ngành Logistics, nhóm còn mạnh dạn thực hiện thêm đề tài thứ hai: “Tác động tích cực của thương mại tự do và EVFTA ảnh hưởng đến SMEs trong giao nhận và vận tải đa phương thức tại Việt Nam” – nhằm làm rõ những cơ hội và thách thức mà hiệp định EVFTA mang lại cho các doanh nghiệp logistics nội địa.
Cả hai đề tài đều được chọn in vào kỷ yếu hội thảo – là sự ghi nhận xứng đáng cho quá trình làm việc nghiêm túc, từ lúc hình thành ý tưởng đến khi hoàn thiện sản phẩm học thuật có chất lượng. Niềm tự hào không chỉ đến từ việc được trình bày trước hội đồng khoa học, mà còn từ việc các thành viên trong nhóm được góp một phần tiếng nói vào những vấn đề lớn của nền kinh tế quốc gia thông qua chuyên ngành logistics mà mình đang theo học.
Trong suốt quá trình thực hiện hai đề tài, nhóm không chỉ nâng cao năng lực học thuật bằng việc: xây dựng luận đề, tìm kiếm tài liệu, phân công nhiệm vụ, đến viết nội dung, kiểm chứng – xử lý dữ liệu, trình bày lập luận mạch lạc, trích dẫn tài liệu học thuật, và hoàn thiện báo nghiên cứu đúng như yêu cầu mà hội thảo đề ra; mà còn phát triển mạnh các kỹ năng mềm: làm việc nhóm, quản lý thời gian, tư duy phản biện và thuyết trình chuyên nghiệp. Đặc biệt, việc tham gia hội thảo lần này đã mở ra nhiều cơ hội học hỏi, giao lưu và cọ xát học thuật thực tế, nắm bắt được những vấn đề xảy ra trong các doanh nghiệp SMEs đang gặp phải, từ đó cùng các thầy cô trong hội đồng khoa học đưa ra nhưng lập luận, ý kiến, giải pháp cho hướng đi của hiện tại và trong tương lai. Chưa dừng lại ở đó, nhóm còn được nghe về sự trình bày của các đề tài khác từ các lĩnh vực, chuyên ngành khác xoay qua chủ đề, ngoài ra còn được nhận những lời đánh giá, nhận xét thực tế nhất từ phía quý thầy cô trong hội đồng chuyên môn. Đây là trải nghiệm quý giá giúp nhóm hiểu rõ hơn về yêu cầu nghiên cứu ở môi trường chuyên sâu, đồng thời nuôi dưỡng niềm đam mê học thuật và khát vọng cống hiến hết mình cho ngành logistics khi còn đang học tập tại trường. Đó cũng là nền tảng quan trọng để mỗi thành viên tự tin tiếp cận các sân chơi học thuật lớn hơn trong tương lai.
Để có được những thành tựu đó, cho phép chúng em xin gửi lời tri ân chân thành đến Quý thầy cô Khoa Quản trị Kinh doanh và Nhà trường đã tạo điều kiện tổ chức hội thảo, khuyến khích sinh viên mạnh dạn nghiên cứu, sáng tạo và phát triển năng lực chuyên môn.
Hai đề tài nghiên cứu không chỉ là thành quả của tinh thần cầu tiến và sáng tạo, mà còn là minh chứng cho năng lực và khát vọng vươn xa của sinh viên ngành Logistics – Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Chúng em tin rằng, đây là bước khởi đầu vững chắc để tiếp tục theo đuổi các mục tiêu lớn hơn trong nghiên cứu chuyên sâu, thực tiễn nghề nghiệp hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực Logistics năng động.